MÔ HÌNH NUÔI CÁ MỚI VỚI CÔNG NGHỆ CAO

Trong ngành thủy sản, việc áp dụng công nghệ cao vào quy trình nuôi cá đang trở thành xu hướng phát triển mới. Một mô hình nổi bật đáng chú ý là mô hình nuôi cá trong bể nổi công nghệ cao đã thành công khi triển khai tại thôn Phú Quý 1, xã Tam Mỹ Đông, tỉnh Quảng Nam do ông Đỗ Tú Tài xây dựng và triển khai với sự hỗ trợ của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành được đánh giá là một bước tiến đáng kể trong phát triển ngành thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bể nổi trong mô hình nuôi cá này được xây dựng với khung sắt, vách thẳng đứng và cao hơn 1m so với mặt đất. Bề mặt bể được lót bạt HDPE mềm trơn, đảm bảo không làm trầy xước cá và hạn chế rong bám xung quanh. Bể được chống thấm, không thẩm thấu nước bên trong và bên ngoài, có hệ thống xi phông để gom tất cả các chất thải, giúp người nuôi quản lý môi trường tốt và hạn chế tối đa vi khuẩn, nấm có hại giúp cá sinh trưởng tốt và đảm bảo chất lượng.

Mô hình sử dụng 9 bể nổi, trong đó có 2 bể để ương nuôi cá giống, 1 bể để lắng lọc nước và 6 bể để nuôi cá thương phẩm. Mỗi bể nuôi cá có diện tích 200m2 có thể thả nuôi khoảng 20 nghìn con giống cá điêu hồng trong mỗi bể và thời gian nuôi từ 6 – 8 tháng, thu hoạch 4 – 5 tấn/bể. Về quy trình kỹ thuật nuôi cá có 3 giai đoạn: giai đoạn 1 và 2 đều kéo dài 30 ngày tính từ lúc thả con giống và giai đoạn 3 kế tiếp nuôi cho đến khi thu hoạch cá thương phẩm.

Ông Tài nói “Tôi sử dụng chế phẩm sinh học để nuôi cá an toàn, không dùng kháng sinh, cá sạch đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi 10.000 đồng/kg cá điêu hồng thương phẩm”.

Theo ông Trần Văn Hồ – cán bộ phụ trách nông nghiệp của UBND xã Tam Mỹ Đông nhìn nhận so với phương pháp nuôi cá truyền thống trong lồng bè trên sông, mô hình này giúp giảm tỷ lệ hao hụt cá, giảm chi phí thức ăn, và không sợ nước nhiễm mặn hay tác động xấu từ bão lũ và thiên tai. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ cao và sử dụng hệ thống máy móc hiện đại trong quản lý môi trường nuôi cá cũng giúp cá lớn nhanh, tỷ lệ sống cao và giảm rủi ro bệnh tật, đảm bảo sản lượng và chất lượng cao. 

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành, cũng đánh giá cao mô hình nuôi cá của ông Tài đã cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này có thể áp dụng cho việc nuôi một số giống cá khác như cá rô phi, cá đối mục, cá măng.

Mô hình nuôi cá trong bể nổi công nghệ cao của ông Đỗ Tú Tài đã chứng minh được tiềm năng và hiệu quả của phương pháp nuôi cá này. Điều này khuyến khích UBND huyện Núi Thành tiếp tục đầu tư và nhân rộng mô hình nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao chuỗi giá trị và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *